Ngày 11/6/2024, tại Hà Nội đã diễn ra Cuộc họp góp ý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) Chương đánh giá, cấp chứng chỉ quốc gia và các nội dung liên quan tại do Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp chủ trì.
Phát biểu đóng góp tại Cuộc họp, Tổng Thư ký Hiệp hội Thang máy Việt Nam – ông Nguyễn Huy Tiến nhất trí với các đề xuất sửa đổi Chương 4. Đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia của Luật Việc làm 2013. Đồng thời, ông Nguyễn Huy Tiến đóng góp thêm 2 ý kiến:
Thứ nhất, sự tham gia của doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp trong việc phát triển kỹ năng nghề là việc cần thiết, giúp đảm bảo tính thiết thực, tính ứng dụng giữa Luật và thực tiễn áp dụng.
Việc dự thảo lần này bổ sung điều khoản về việc thành lập Hội đồng Kỹ năng nghề là một đề xuất hợp lý. Điều này có thể giúp các hiệp hội nghề nghiệp, doanh nghiệp dẫn dắt ngành tham gia vào các hội đồng kỹ năng nghề từng ngành, vừa để thực hiện chức năng xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề, vừa có thể thực hiện một số dịch vụ liên quan. Vì vậy, nên quy định rõ thành phần cần có của một Hội đồng kỹ năng nghề (những ai được/phải tham gia vào hội đồng này), thẩm quyền thành lập, cơ chế hoạt động để Hội đồng kỹ năng nghề của ngành có thể hoạt động hiệu quả như một đơn vị độc lập, cơ quan chủ quản chỉ giữ vai trò quản lý các hội đồng này.
Thứ hai, liên quan đến tiêu chuẩn kỹ năng nghề cho ngành thang máy, mặc dù dự thảo vẫn giữ nguyên Khoản 1, Điều 35. Những công việc yêu cầu phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, cụ thể “Người lao động làm công việc ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn và sức khoẻ của cá nhân người lao động hoặc cộng đồng phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.” Tuy nhiên, hiện nay nghề kỹ thuật thang máy – nghề nghiệp đòi hỏi cao về an toàn và ảnh hưởng trực tiếp không chỉ đến người lao động mà còn cả tính mạng, sức khỏe và tài sản của người sử dụng thang máy chưa nằm trong phạm vi những công việc yêu cầu phải có chứng chỉ kỹ năng nghề.
Bởi vậy, Hiệp hội Thang máy Việt Nam mong muốn đưa nghề lắp đặt thang máy và bảo trì thang máy vào Danh mục ngành nghề bắt buộc phải có chứng chỉ kỹ năng nghề. Điều này có thể sửa đổi ở Luật Việc làm hoặc các Nghị định hướng dẫn thi hành.
Trước đó, Hội thảo, Hội nghị thường niên do Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) phối hợp với Cơ quan điều hành Mạng kiểm định chất lượng công trình xây dựng (VNBAC) tổ chức diễn ra vào chiều 7/6/2024, tại Hà Nội. Tham dự Hội thảo, Hội nghị có sự xuất hiện của Lãnh đạo Bộ Xây dựng; đại diện lãnh đạo các Sở: Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các thành viên Mạng Kiểm định chất lượng công trình xây dựng Việt Nam; các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, kiểm định xây dựng.
Tại Hội thảo, Hiệp hội Thang máy Việt Nam đã đóng góp Tham luận với chủ đề “An toàn thang máy trong quá trình khai thác sử dụng”, trong đó đề cập đến thực trạng và các sáng kiến, đề xuất nhằm tối ưu mức độ an toàn thang máy – một thành phần quan trọng trong công trình xây dựng, có mối liên hệ chặt chẽ từ các khâu xây dựng và khai thác, có tính liên kết mật thiết với các thành phần khác của công trình xây dựng.
Đây là hoạt động thường niên của VNBAC nhằm trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong hoạt động kiểm định và thí nghiệm trong lĩnh vực xây dựng công trình, tăng cường năng lực các tổ chức kiểm định để phục vụ công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng và các yêu cầu kiểm tra kiểm soát của các cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng.
Hiệp hội Thang máy Việt Nam là tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công dân, doanh nghiệp Việt Nam được thành lập theo Quyết định 594/QĐ-BNV ngày 20/8/2020 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh thang máy, thang cuốn và lĩnh vực liên quan đến thang máy, thang cuốn theo quy định của pháp luật. Một trong các nhiệm vụ của Hiệp hội là đóng góp ý kiến vào việc xây dựng các chủ trương của Đảng, chính sách, cơ chế của Nhà nước liên quan đến ngành thang máy.